THẾ GIỚI VÀ BIỂN ĐÔNG

 

Mỹ bác đề nghị của TQ về các đảo có tranh chấp ở Biển Đông

Hoa Kỳ hôm thứ sáu nhanh chóng bác bỏ đề nghị của một giới chức quân sự hàng đầu của Trung Quốc là có thể sử dụng những hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông cho các hoạt động cứu hộ, cứu trợ quốc tế.
Bắc Kinh hồi gần đây bị nhiều nước Đông Nam Á và các nước Tây phương chỉ trích về những công trình xây dựng, kể cả sân bay, trên những hòn đảo ở Biển Đông mà Việt Nam và Philippines cũng có yêu sách chủ quyền.

Một thông cáo trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, trình bày đề nghị đó với người tương nhiệm phía Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert, trong một cuộc thảo luận qua đường truyền video hôm 29 tháng Tư.
Thông cáo cho biết ông Ngô Thắng Lợi nói hoạt động lấp biển lấy đất của Trung Quốc tại những hòn đảo có tranh chấp “sẽ không đe dọa quyền tự do hàng hải và quyền tự do bay ngang của phi cơ” và sẽ nâng cao khả năng dự báo thời tiết, tìm kiếm cứu hộ trên biển và những hoạt động công ích khác, và góp phần bảo vệ an ninh hải dương quốc tế.
Ông Ngô nói thêm “Chúng tôi hoan nghênh Hoa Kỳ và các quốc gia liên hệ sử dụng những cơ sở này, khi điều kiện chín muồi, để tiến hành hợp tác cứu hộ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.”
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke nói rằng Washington không chấp nhận đề nghị đó.
Ông với với báo chí rằng “Xây dựng các cơ sở trên đất đai được cải tạo tại những khu vực có tranh chấp sẽ không đóng góp cho hoà bình và ổn định của khu vực; ngay cả trong trường hợp, như một số giới chức Trung Quốc nói, các cơ sở đó được dùng cho những mục đích dân sự để ứng phó với tai hoạ.” Ông nói thêm rằng “Nếu có ý muốn giảm thiểu căng thẳng, Trung Quốc có thể chủ động giảm thiểu căng thẳng bằng cách thực hiện những biện pháp cụ thể để ngưng hoạt động lấp biển lấy đất.”
Ông Rathke còn nói rằng Bắc Kinh “nên làm việc với những cơ chế đa phương hiện có cho hoạt động cứu trợ” như cơ chế của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Thứ hai vừa qua, hiệp hội này đưa ra một thông cáo tại hội nghị thượng đỉnh ở Malaysia để bày tỏ “sự quan tâm sâu sắc” về những công trình xây dựng của Trung Quốc trên các hòn đảo có tranh chấp.
Bắc Kinh nhất mực nói rằng họ có chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, trong lúc Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có yêu sách chủ quyền từng phần hoặc toàn bộ đối với vùng biển này.
Nguồn: Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc, AFP
  • Inhttp://www.voatiengviet.com/content/my-bac-de-nghi-cua-trung-quoc-ve-cac-dao-co-tranh-chap-o-bien-dong/2746026.html:
  •  
     Tham vọng quân sự mới của Nhật Bản trước đe dọa từ Trung Quốc
    mediaMột quân nhân Lực lượng phòng vệ Nhật Bản ngắm chiếc tàu chở trực thăng Izumo trước khi hạ thủy ở Yokohama, 06/08/2013.REUTERS/Toru Hanai
    Nhân chuyến công du chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, kéo dài 3 ngày mà tâm điểm được dư luận quốc tế chú ý là thỏa thuận mở rộng hợp tác quốc phòng giữa Tokyo và Washington, nhật báo Le Monde dành kín hai trang báo đề cập tới các tham vọng quân sự mới của nước Nhật, quốc gia bại trận trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2 cách đây 70 năm.
    Dưới bức ảnh một con tàu chở trực thăng « Izumo », đồ sộ như một chiếc tàu sân bay vừa được bàn giao cho Hải quân Nhật hôm 25/3 vừa qua, bài viết của đặc phái viên Le Monde tại Yokusuka có tựa đề « Nhật Bản hiện đại hóa lực lượng hải chiến ».
    Le Monde cho biết Izumo là chiến hạm quân sự lớn nhất của Nhật kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ 2 và là biểu tượng cho phản ứng của nước này trước mối đe dọa từ Trung Quốc.
    Theo mô tả của tác giả bài viết, vừa được mời tham quan chiến hạm này, Izumo là một chiến hạm chở trực thăng được thiết kế với chức năng săn tìm tàu ngầm. Tàu có trọng lượng 19.500 tấn, dài 248 mét được trang bị đầy đủ các thiết bị, vũ khí tối tân nhất hiện nay. Về mặt chính thức Izumo chỉ có nhiệm vụ phòng thủ gần của Nhật, góp phần giữ gìn hòa bình trong khu vực và cứu hộ. Nhưng rõ ràng chiến hạm đồ sộ này có những khả năng hoạt động như một tàu sân bay có đủ khả năng tác chiến xa.
    Le Monde cho biết, với biên chế 1.000 quân, Izumo trong tương lai có thể gia nhập vào một nhóm tác chiến của Mỹ hoặc ở trong khu vực. Điều này nằm trong chủ trương của chính phủ Shinzo Abe đang muốn sửa lại nội dung bản Hiến pháp chủ hòa cho phép mở rộng trường hoạt động của « lực lượng phòng vệ » (tên gọi quân đội Nhật hiện nay) để Nhật có thể tham gia các hoạt động quân sự cùng đồng minh trong trường hợp « tự vệ tập thể chính đáng », xa hơn nữa điều này giúp Tokyo ký các thỏa thuận quốc phòng với các nước đồng minh trong khu vực hoặc tham gia tích cực vào các chiến dịch quân sự của Liên Hiệp Quốc.
    Tại sao Nhật Bản giờ đây lại nuôi tham vọng quân sự ?
    Theo Le Monde, đất nước này vẫn cảm thấy bị đe dọa vây quanh. Một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Nhật từng nhấn mạnh : « Nhật bị bao quanh bởi ba cường quốc quân sự và hạt nhân lớn nhất là Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên ». Nhưng Trung Quốc là mối đe dọa đầu tiên.
    Tác giả bài viết nhận thấy, Tokyo đặc biệt lưu tâm đến các tranh chấp lãnh thổ có từ bao đời nay với nước này và cho rằng Bắc Kinh đe dọa tuyến đường hàng hải và sẽ có ngày lấn chiếm hết các đảo đang tranh chấp ở vùng biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông để đặt các căn cứ quân sự của họ.
    Năm 2013 Nhật ghi nhận không quân Nhật đã 415 lần xuất kích vì các vụ máy bay Trung Quốc xâm nhập không phận Nhật và 359 lần đối với các máy bay Nga.
    Trong bối cảnh như vậy, Tokyo muốn tỏ ra với Hoa Kỳ và các nước trong vùng thấy Nhật là một đồng minh hoàn thiện, quân đội của họ cần phải được tôi luyện kinh nghiệm chiến đấu hơn. Không quân Nhật vừa đặt thêm 42 máy bay chiến đấu F35. Lục quân được tăng cường thêm các đơn vị đổ bộ và dự định trong vòng ba năm tới sẽ thành lập các đơn vị thường trực bảo vệ bờ biển rộng khắp.
    Ưu tiên được dành cho hải quân. Lực lượng này của Nhật hiện có 124 chiến hạm. Dự kiến từ nay đến năm 2025, hạm đội tàu ngầm sẽ tăng từ 12 lên 22 chiếc.
    Một lý do khác, khiến Nhật Bản muốn có một đội quân tự chủ hơn, mặc dù quần đảo này vẫn được Mỹ bảo vệ vững vàng. Nhưng ở Nhật, người ta nghi ngại về sự bảo đảm của người Mỹ. Trong việc Tổng thống Barack Obama quay ngoắt không tấn công các cơ sở vũ khí hóa học của Syria cách đây không lâu, cũng khiến cho Tokyo phải đặt câu hỏi : Liệu Nhật sẽ có được Mỹ che chở trong trường hợp bị Bắc Triều Tiên tấn công hóa học ?
    Còn với Trung Quốc, Le Monde dẫn một báo cáo gần đây do Bộ Ngoại giao chỉ đạo thực hiện, các chuyên gia về quan hệ quốc tế nhận định nếu Hoa Kỳ xóa bỏ cam kết với khu vực châu Á, trong vòng hai chục năm Trung Quốc sẽ thống trị vùng châu Á-Thái Bình Dương. Trong giả thiết như vậy, Hàn Quốc sẽ có thể xích lại với Trung Quốc và Nhật Bản có nguy cơ bị cô lập.
    Le Monde cũng nhận thấy, nhiều người Nhật lo ngại về tham vọng bá quyền của Trung Quốc, nhưng không phải tất cả đều ủng hộ sự thay đổi chính sách quốc phòng hiện nay vì điều này có thể sẽ cuốn quần đảo này vào những cuộc xung đột trên thế giới.
    Động đất Nepal : Nạn nhân nghèo bị bỏ rơi
    Tiếp tục với nhật báo Le Monde. Tựa trang nhất của tờ báo « Tại Nepal, những người nghèo bị quên cứu trợ. ». Tác giả bài viết đến với vùng thung lũng của Nepal cách xa thủ đô Katmandou gần 100 km, bị trận động đất vừa qua tàn phá nhưng các nạn nhân lại bị bỏ rơi.
    Le Monde ghi nhận « Tức giận và thất vọng trong các thung lũng Nepal » . Nằm cách biệt với thế giới bên ngoài, các khu làng trong dãy núi Himalaya cũng bị tàn phá tan hoang không nhận được cứu giúp của chính quyền.
    Ở đó, theo Le Monde, không thấy có bóng nhân viên cứu hộ nào, cũng chẳng có vị bộ trưởng nào đến thăm hỏi các nạn nhân, chỉ có người dân, bị mắc kẹt trong các khu làng hẻo lánh dưới chân dãy núi Himalaya. Các khu làng hầu như đổ nát hoàn toàn. Không thể thống kế được số người thiệt mạng. Những người sống sót không nhận được sự cứu trợ thiết yếu như chăn mền, lều trại hay lương thực thực phẩm.
    Trước sự phẫn nộ của người dân, chính quyền bắt đầu mới để ý đến các vùng hẻo lánh này nhưng việc tiếp cận hiện trường cực kỳ khó khăn vì phương tiện hạn chế và địa hình thì hiểm trở. Tác giả bài viết gọi đây là « một trận động đất khác, không có thống kê thiệt hại và còn rất nhiều nạn nhân không được biết đến ».
    Bạo động chủng tộc ở Baltimore
    Liên quan đến nước Mỹ, các báo Pháp hôm nay chú ý nhiều đến sự kiện bạo loạn bùng nổ ở thành phố Baltimore, sau cái chết của một thanh niên da đen do cảnh sát «quá tay » trấn áp. Bạo lực lan rộng đến mức chinh quyền thành phố phải ban hành tình trạng khấn cấp và ra lệnh giới nghiêm. Các báo đều gọi đó là « cuộc bạo động chủng tộc ».
    Le Figaro ghi nhận : « Xen lẫn bàng hoàng và lo lắng, nước Mỹ lại chứng kiến cảnh Baltimore bị thiêu đốt, chìm trong hỗn loạn hôm thứ Hai, sự việc chỉ cách vài tháng sau các vụ bạo loạn làm chấn động thành phố Ferguson ( Missouri) sau đó đã lan rộng ra nhiều nơi khác. Hoàn cảnh của cả hai vụ đều có nét tương tự. Ở Ferguson, bạo lực bùng lên sau cái chết của thanh niên da đen Micheal Brown do cảnh sát da trắng đánh. Ở Baltimore, ngòi nổ của bạo động cũng là cái chết của thanh niên da đen Freddie Gray hom thứ Bảy tuần trước, sau một vụ trấn áp quá tay của cảnh sát, tuy hoàn cảnh của vụ việc còn chưa sáng tỏ ».
    Các vụ việc bạo hành cảnh sát như vậy cứ tích tụ thêm, khiến người da đen Mỹ cảm thấy trở thành mục tiêu trấn áp của người da trắng và họ nổi dậy phản kháng lại bằng bạo lực. Hôm nay là Baltimore, ngày mai có thể lại là chỗ khác, những nơi mà cảnh sát vẫn còn quan hệ không tốt với dân Mỹ gốc Phi.
    Hy Lạp : 100 ngày bế tắc của chính quyền mới
    Chuyển qua tờ Libération. Hồ sơ lớn trong ngày của tờ báo dành cho Hy Lạp với tựa lớn trang nhất : « 100 ngày không thay đổi được Hy Lạp », nhân hôm nay đánh dấu 3 tháng đảng Syriza thắng cử đưa ông Alexis Tsipras lãnh đạo Hy Lạp.
    Tờ báo nhận định : « Trong 100 ngày qua, chính phủ cánh tả cấp tiến, bị tê liệt bởi các cuộc đàm phán với các chủ nợ, đã không thể khởi động được chính sách chống khắc khổ mà nhờ đó chính phủ này được bầu lên .» Libération chỉ rõ hơn : « Cho đến giờ đa số những hứa hẹn trong tranh cử của đảng cánh tả đều ở trong tình trạng kẹt , nhường chỗ ưu tiên cho cuộc đọ sức với các chủ nợ ».
    Theo Libération, từ khi cánh tả cấp tiến lên nắm quyền, chưa thấy có thay đổi nào ở Athènes. Nỗi ám ảnh tiền mỗi khi đến hạn vẫn đeo bám chính phủ mới từng ngày, cứ đến hạn thanh toán, đất nước này lại nín thở.
    Libération nhận thấy, điều cấp bách bây giờ với Hy Lạp là phải đi đến thỏa hiệp để làm sao vừa giữ được lòng dân cũng như độ tin cậy của đảng Syriza đối Liên hiệp châu Âu.
    Pháp : Đừng có đụng đến quân đội
    Thời sự nổi bật của nước Pháp được các báo chú ý là hôm nay Tổng thống Pháp có cuộc họp Hội đồng Quốc phòng quan trọng để quyết định có hay không tăng chi tiêu cho quân đội trong khi ngân sách Nhà nước càng ngày càng eo hẹp. Le Figaro chạy tựa : « Ngân sách Quốc phòng : Hollande đến lúc lựa chọn ».
    Với Le Figaro, tất cả đã rõ, không có chuyện động đến quân đội. Xã luận tờ báo bình luận : « Từ 10 năm nay, quân đội Pháp đã mất đi khoảng 80 ngàn chỗ. Từ nay đến năm 2019, nếu không có thay đổi gì thì sẽ còn giảm thêm 25 nghìn quân nữa...Chính sách này không thể kéo dài được nữa vào thời điểm mà các binh sĩ của chúng ta ngày càng cần cho cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan, trong các chiến dịch ở nước ngoài, từ Mali đến Irak, cũng như hàng ngày trên lãnh thổ của chúng ta ».
    Muốn được như vậy, theo Le Figaro, chỉ có cách là chính phủ cần phải điều chỉnh các chính sách kinh tế tiết kiệm ở các lĩnh vực khác bù đắp cho chí phí quân đội đang trở nên thiết yếu của nước Pháp. François Hollande phải tỏ cho thấy ông là người xứng tầm với thách thức này.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét