Phúc trình lừa bịp

[Minh Trị]
Bản Phúc trình thường niên năm 2015 của “Ủy hội Hoa Kỳ bảo vệ tự do tôn giáo trên Thế giới” (USCIRF, US Commission on International Religious Freedom) đặt Việt Nam vào danh sách 17 quốc gia cần được Hoa Kỳ đưa vào danh sách CPC (các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo) vì “chính quyền Việt Nam tiếp tục kiểm soát mọi hoạt động tôn giáo bằng luật và giám sát hành chính, hạn chế nghiêm ngặt hoạt động tôn giáo độc lập, và đàn áp các cá nhân và nhóm tôn giáo mà chính phủ cho là thách thức đến nhà chức trách, kể cả các Phật tử độc lập”. 17 quốc gia mà USCIRF đưa vào danh sách là: Myanmar, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Saudi Arabia, Sudan, Turkmenistan, Uzbekistan, Cộng hòa Trung Phi, Ai Cập, Iraq, Nigeria, Pakistan, Syria, Tajikistan và Việt Nam.

Được biết, cái gọi là “Ủy hội Hoa Kỳ bảo vệ tự do tôn giáo trên thế giới” là một cơ quan riêng và khác với Bộ Ngoại giao. Ủy hội này được Quốc hội Hoa Kỳ thành lập, là đơn vị tham vấn độc lập, lưỡng đảng cho chính phủ Hoa Kỳ. Cơ quan này “giám sát tự do tôn giáo trên toàn thế giới và khuyến nghị chính sách cho Tổng thống, Ngoại trưởng và Quốc hội.

Cuối năm 2006, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là ông George W.Bush đã ký quyết định rút Việt Nam ra khỏi danh sách CPC. Vậy không hiểu sao với “phúc trình thường niên năm 2015” tổng kết công việc trong năm của các thành viên trong Ủy ban và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, lưu hồ sơ các vụ vi phạm ở trong nước và khuyến cáo về chính sách cho chính phủ Hoa Kỳ, trình bày các sự vụ xẩy ra từ ngày 31/1/2014 đến 31/1/2015 lại đưa ra những nhận định và khuyến nghị lệch lạc về Việt Nam đến thế? Và nó lại được công bố vào đúng 30/4 - phải chăng đó là “món quà” mà USCIRF “dành tặng” Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam là một quốc gia có nền văn hoá lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc kết tinh từ sự đa dạng các nền văn hoá trong cộng đồng 54 dân tộc. Hiếm có quốc gia trên thế giới có sự dung hoà giữa các tôn giáo lớn trong lòng dân tộc như Việt Nam. Hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo không chỉ được xem là nhu cầu tâm linh của những người có đạo được pháp luật bảo vệ và bằng chính sách, thực tiễn của Nhà nước trong việc tôn trọng, thực thi, mà còn được xem là nhu cầu sinh hoạt văn hoá của toàn thể nhân dân. Thúc đẩy sự đa dạng tôn giáo và bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam luôn được tôn trọng và đảm bảo, đặc biệt là kể từ khi đổi mới. Hiến pháp 2013 khẳng định “Ở Nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị đều được tôn trọng và bảo đảm”; “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước” (Điều 70). Hiến pháp cũng bảo vệ quyền của công dân theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo và mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.

Sự ra đời của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 18/6/2004 và có hiệu lực ngày 15/11/2004, một lần nữa là sự phát triển và mở rộng các nguyên tắc Hiến định, là sự thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, Pháp lệnh cũng thể hiện sự phát triển của hệ thống pháp luật quốc gia trong quá trình nội luật hoá các quy định của pháp luật quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia cam kết.

Quyền tự do thực hành tôn giáo, tham gia các sinh hoạt tôn giáo của những người có tôn giáo đặc biệt được tôn trọng và bảo đảm. Thực tiễn cho thấy các hoạt động lễ hội, chẳng hạn các ngày lễ lớn hàng năm của nhiều tôn giáo, như lễ Nô-en của Công giáo, lễ Phật đản của Phật giáo và hàng loạt các ngày lễ của các tôn giáo khác đều được long trọng diễn ra với sự tham gia của hàng trăm nghìn tín đồ. Đặc biệt, Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc năm 2008 được tổ chức trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 4.000 tăng ni, phật tử trong đó có khoảng 2.000 chức sắc, tín đồ đến từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.


Ảnh: đại lễ Vesak

Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo gắn liền với quyền tự do cá nhân và quyền tự do lập hội, hội họp. Nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân còn ở khía cạnh đảm bảo quyền được lập hội và hội họp. Vì thế hàng chục tổ chức tôn giáo đã được thừa nhận và bảo vệ bằng pháp luật. Chẳng hạn, cho đến nay hàng chục tổ chức tôn giáo đã được thừa nhận. Ngoài ba tổ chức tôn giáo đã được công nhận từ trước là Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Giáo hội Công giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nhà nước đã lần lượt xem xét và công nhận về tổ chức cho các tôn giáo như: Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh - 1999, Hội thánh Cao đài - từ 1995 đến 2000; Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo - 1998; Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) - 2001; Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang - 2004.

Từ tháng 9/2006 đến nay, Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận về mặt tổ chức theo quy định của pháp luật cho 13 tổ chức tôn giáo; trong đó có 6 tôn giáo mới là: Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội, Baha’i, Phận Đường Nam Tông Minh Sư Đạo, Minh Lý đạo Tam Tông Miếu, Bửu Sơn Kỳ Hương và 7 tổ chức đạo Tin lành là Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Tổng hội Báp-tít Việt Nam (Ân điển Nam Phương), Hội thánh Báp-tít Việt Nam (Nam Phương), Hội thánh Mennonite Việt Nam, Hội thánh Trưởng lão Việt Nam, Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam. Đến nay đã có 33 tổ chức tôn giáo đã được cấp đăng ký và công nhận.

Nhà nước Việt Nam cũng chăm lo đến việc đào tạo các chức sắc tôn giáo để thúc đẩy tổ chức và hoạt động của các tổ chức tôn giáo, tăng cường việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp nhân dân đối với việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Chẳng hạn, trong lĩnh vực đào tạo chức sắc Phật giáo, trong những năm qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã mở 3 Học viện Phật giáo, 6 Cao đẳng Phật học, 31 trường Trung cấp Phật học đào tạo 5.090 tăng ni; Giáo hội Công giáo Việt Nam có 6 Đại chủng viện đào tạo 1.236 linh mục; Viện Thánh kinh thần học thuộc Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đã mở 2 khóa với 150 học viên.

Tất cả những thông tin, số liệu thực tiễn nêu trên khẳng định rõ một điều: Nhà nước Việt Nam rất tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Những tưởng cơ quan được thành lập ngay sau khi Quốc hội Hoa Kỳ ban hành Sắc luật 1998 bảo vệ tự do tôn giáo trên thế giới sẽ làm việc khách quan, trung thực, vì lợi ích chung của nhân loại; những tưởng, các khuyến cáo, “phúc trình” của USCIRF phải dựa vào các thủ tục bắt buộc và các tiêu chuẩn trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cùng các văn bản quốc tế khác. Tuy nhiên, có thể thấy họ cũng chỉ làm việc cảm tính, đánh giá lệch lạc, đưa ra thông tin phục vụ mưu đồ chính trị của một số thế lực mà thôi.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét