Văn nghệ Thứ Bảy : Tòa nhân dân tối cao nên sớm thụ lí vụ án Vườn Vải

Đã có một hội thảo về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ và thảm án Lê Chi viên, vào năm 2004. Trong đó, có một ý kiến như vậy được đưa ra.

Còn nếu xem văn chương đương đại Việt Nam "cấu tưởng" về Nguyễn Thị Lộ như thế nào, có thể đọc một truyện ngắn sau Đổi Mới của Nguyễn Huy Thiệp, ở đây. Theo tôi, đây là một truyện ngắn đáng chán, cả về nội dung và nghệ thuật.

Đầu tiên xem một tổng quan của Hà Nội Mới. Các tư liệu bổ sung sẽ đưa thêm sau.


---

Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ và thảm án Lệ Chi viên


Thứ Bảy 8:25 04/09/2004

22 năm sau ngày xảy vụ án Lệ Chi viên, vào năm 1464, Nguyễn Trãi đã được vua Lê Thánh Tông ban chế tẩy oan và ca ngợi “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (Tấm lòng Ức Trai sáng như sao Khuê). Từ nửa sau thế kỷ XX, giới khoa học nước ta đã có nhiều công trình nghiên cứu về Nguyễn Trãi. Nhà nước và nhân dân ta đã tôn vinh ông là anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn. Năm 1980, UNESCO công nhận Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới. Nhưng riêng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, “một nữ sĩ tài hoa, một người bạn đời tâm đầu ý hợp của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi”, dường như chưa được chiêu tuyết, minh oan và được tôn vinh một cách đúng mức.

Trước tình cảm mong đợi của nhiều người, một hội thảo khoa học về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đã được UBND xã Trần Phú (nay là phường Trần Phú, quận Hoàng Mai - nơi có ngôi đền riêng thờ bà) phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại xã.

Toàn bộ tham luận và cả những bài viết gửi đến sau hội thảo đã được nhà giáo Hoàng Đạo Chúc tập hợp, NXB Văn hóa - Thông tin xuất bản năm 2004. Sách 530 trang khổ 14,5 x 20,5 cm, chia làm 6 phần, 29 ảnh màu minh họa.

Trong lời tựa, PGS Phan Văn Các viết: “Từ những góc nhìn khác nhau, các tham luận đã tập trung nghiên cứu cuộc đời của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ trong mối quan hệ với quê hương, dòng tộc, lịch sử, thời đại, phân tích tài năng xuất chúng, phẩm chất cao thượng và những cống hiến quý báu của bà”.

560 năm đã trôi qua mà nỗi oan của bà Lộ sau thảm án vẫn còn đó. Lâu nay, trong lĩnh vực sử học, tìm thấy ý kiến bênh vực cho Nguyễn Thị Lộ như nhà sử học Trần Huy Liệu thật hiếm hoi. Gần nửa thế kỷ qua, người ta chỉ thấy có bài viết của Lê Thước và Trương Chính “Thử xét lại cái án của Nguyễn Trãi” in trên Tạp chí Văn - Sử - Địa số 24 năm 1957. Lần này, bằng tình cảm kính trọng và thương mến, các nhà khoa học đã đồng loạt “ra quân”, bộc bạch chính kiến để cùng nhau phanh phui nỗi đau oan khuất của bà. GS Vũ Khiêu viết: “Nỗi oan Nguyễn Thị Lộ, những vấn đề khẩn thiết đặt ra”; GS Phan Huy Lê: “ Nguyễn Thị Lộ một nữ sĩ tài hoa, một nỗi oan bi thảm”; GS Đinh Xuân Lâm: “Nhân một vụ án suy nghĩ về trách nhiệm người viết sử”. Nhà văn Hoàng Quốc Hải có bài tham luận sâu sắc và lý thú, “Trắng án Nguyễn Thị Lộ”. Ông mạnh dạn vạch ra những phi lý vụ thảm án Lệ Chi viên mà tòa đại hình dưới thời của bậc gọi là “Mẫu nghi thiên hạ” Nguyễn Thị Anh đã xử. Ông còn vạch ra những khúc mắc và phi lý trong quốc sử triều Lê đã vu khống bà Lộ.

Hưởng ứng bài viết của Hoàng Quốc Hải, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh nêu vấn đề: “Tòa án nhân dân tối cao nên thụ lý vụ án Lệ Chi viên năm Nhâm Tuất 1442”. Đại đức Thích Đức Thiện nêu “Những điều cần đính chính và xác minh về Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi”.

Cùng hướng với các tham luận này, có bài của TS Đinh Công Vỹ “Xé bức màn dối trá trong thảm án Lệ Chi viên”. PGS Vũ Huy Phúc viết bài: “Nỗi oan chưa được rửa của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ”. Nhà văn Giang Quân viết: “Minh oan cho bà Nguyễn Thị Lộ”. Kỹ sư Nguyễn Văn Thành viết: “Tuyên từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh và những  rắc rối trong cung đình”.

GS Phan Huy Lê đã viết: “Chúng ta có đủ cơ sở khoa học để khẳng định cái chết thảm khốc của Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ là âm mưu của một thế lực trong triều đình nhà Lê muốn trừ khử một tài năng quá lỗi lạc, một nhân cách quá cao thượng, luôn luôn đối nghịch và cản trở những việc làm mờ ám của chúng. Từ đó, chúng ta không những minh oan mà còn tôn vinh Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ luôn xứng đáng với những công lao, cống hiến trong lịch sử”.

 Với riêng cuộc đời bà Lộ, trước nay chúng ta chỉ có một truyền thuyết, mấy vần thơ xướng họa với Nguyễn Trãi và lời ghi vắn tắt trong một số gia phả họ Nguyễn, nay qua tập sách, ta biết thêm nhiều điều về bà. TS Mai Hồng giới thiệu: “Những tư liệu Hán - Nôm có liên quan đến cuộc đời Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ”; PGS - TS Nguyễn Tá Nhí phân tích “Bài thơ xướng họa giữa ức Trai tiên sinh và Lễ nghi nữ học sĩ “; cụ Ngô Thức kể: “Những điều ghi về bà Nguyễn Thị Lộ trong gia phả họ Nguyễn ở Nhị Khê”.

Cùng các tư liệu thành văn còn có các tư liệu dân gian của PGS Vũ Ngọc Khánh, nữ sĩ Nguyễn Ngọc Hiền, GS-TSKH Phan Đăng Nhật…

Qua tư liệu mới, chúng ta biết rõ về quê hương và gia đình bà ở làng Hới, nơi dệt ra loại chiếu gon nay thuộc huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình, biết một số di tích có đặt tượng thờ bà ở chùa Huy Văn (phố Hàng Bột, Hà Nội) ở chùa Côn Sơn tỉnh Hải Dương. Trước đây, ở phố Hàng Chiếu có miếu thờ bà Nguyễn Thị Lộ, nay không còn. Và đặc biệt ở làng Khuyến Lương, nơi ông bà ở ẩn, nay còn đền Đức Ông, Đức Bà thờ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ. Có thể đây là nơi bà Lộ đã giúp Nguyễn Trãi viết Bình Ngô sách. Sau này, khi Thăng Long được giải phóng, ông đã viết sách Dư địa chí ở đây để dâng lên vua Lê Thái Tông. Một giả thiết đặt ra, bài thơ Nôm có câu: “Góc thành Nam lều một gian” Nguyễn Trãi miêu tả cảnh sống đạm bạc ở đất Khuyến Lương này.

Vụ án Lệ Chi viên xảy ra đã hơn nửa thiên niên kỷ. Do hạn chế về thời gian và sử liệu nên việc phân tỏ ngọn ngành nỗi oan của bà Lộ thật vô cùng khó khăn. Nhưng nay, “ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi viên” có thể được coi là tấm lòng tri ân của hậu thế với “người phụ nữ tài hoa trong văn học, sắc sảo trong chính trị, chu đáo trong ứng xử và thủy chung trong tình nghĩa. Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đã dâng trọn cuộc đời phục vụ sự nghiệp bền vững của vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông Đại Việt” (Lời GS Vũ Khiêu).


HNM


ANHTHU
http://hanoimoi.com.vn/Ban-in/Van-hoa/23573/l7877;-nghi-h7885;c-s297;-nguy7877;n-th7883;-l7897;-va-th7843;m-an-l7879;-chi-vien
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét